Tuesday, December 8, 2009

Vật liệu xây dựng theo ngũ hành

Vật liệu xây dựng có khả năng ảnh hưởng đến con người qua các giác quan. Chẳng hạn màu sắc tác động lên thị giác, các bề mặt vật liệu lại tác động lên khứu giác... Do đó, sự an lành của gia chủ cũng phụ thuộc vào vật liệu xây dựng.

Lựa chọn và sử dụng vật liệu phù hợp với mục đích cũng như vị trí sẽ giúp không gian sống của bạn trở nên hoàn hảo hơn.

Tác động của các loại vật liệu lên cuộc sống

Mỗi loại vật liệu xung quanh cuộc sống của chúng ta đều chưa đựng một năng lượng riêng. Thuật phong thủy quan niệm mọi vật chất đều mang những tính chất của ngũ hành. Chúng ảnh hưởng tới khí của khu vực chúng ta đang sống.

Những vật liệu có bề mặt sáng bóng như nhôm, kính mang tính dương, giúp khí di chuyển nhanh hơn. Ngược lại, bề mặt nhám, thô, sậm lại có tác dụng làm chậm dòng khí. Do vậy, đối với khu vực cần sự năng động như phòng làm việc, phòng khách, sử dụng chất liệu hiện đại như nhôm, inox... mang tính dương là sự lựa chọn phù hợp.

Với những căn phòng hay khu vực cần tới sự yên tĩnh, thư thái như phòng ngủ, phòng giải trí, nên sử dụng các vật liệu mang tính âm, xuất xứ từ thiên nhiên như gỗ, mây, tre, lục bình... Những vật liệu này sẽ cho bạn cảm giác tĩnh tâm, yên bình và tốt cho sức khỏe.

Một vài cách lựa chọn vật liệu theo ngũ hành

Gỗ thuộc hành Mộc. Các loại gỗ có bề mặt nhẵn bóng sẽ giúp khí lưu chuyển nhanh, nên dùng lát sàn nhà. Các loại đá ốp tường thuộc hành Thổ. Chúng mang lại cảm giác vững chắc, thích hợp để lát cầu thang, mặt bếp nấu. Thép, inox có bề mặt bóng sẽ làm tăng tốc độ lưu chuyển khí. Nên dùng kim loại cho khu vực ứ đọng như bếp hoặc nhà tắm.

Màu sắc và ý nghĩa

Biết ý nghĩa của các màu sắc để ứng dụng vào từng không gian cụ thể sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi ở trong ngôi nhà của mình.

- Đỏ: kích động, nổi trội, làm không gian trông hẹp lại và làm các đồ vật tăng kích thước. Phù hợp để tạo điểm nhấn. Không thích hợp với không gian phòng ngủ trẻ em, bếp, phòng ăn...

- Vàng: kích thích não và hỗ trợ khả năng lĩnh hội. Thích hợp với không gian bếp, hành lang.

- Xanh lá: tạo sự thư thái và hồi sức. Thích hợp với phòng tắm, phòng điều trị. Không phù hợp với phòng học, phòng chơi của trẻ, phòng sinh hoạt gia đình...

- Xanh biển: an bình. Nên chọn cho không gian phòng ngủ. Không dùng trong phòng ăn, phòng sinh hoạt chung của gia đình, phòng học...

- Tím: kích thích sự sống. Thích hợp với phòng ngủ, không dùng trong nhà bếp, phòng tắm.

- Hồng: lãng mạn. Thích hợp cho phòng ngủ, không dùng trong nhà bếp, phòng tắm.

- Cam: mạnh mẽ, vui tươi. Dùng trong phòng ăn, phòng sinh hoạt, hành lang. Không dùng trong phòng ngủ hoặc nơi có diện tích nhỏ hẹp.

- Trắng: sự khởi đầu mới. Phù hợp với không gian nhà bếp, phòng tắm. Không nên dùng trong phòng trẻ em, phòng ăn.

Phong thủy và sức khỏe

Người Trung Hoa cổ cho rằng phong là khí chuyển động, thủy là dòng nước. Các yếu tố này tác động mạnh mẽ lên con người. Phong thủy tốt thì con người vui tươi khỏe mạnh và ngược lại.

Thuật phong thủy là môn chuyên nghiên cứu địa thế, phương hướng, cải tạo thiên nhiên về mặt hình thái nhằm đem lại những lợi ích tối đa và hạn chế tối thiểu tai họa cho con người. Với quan điểm "thuận theo trời đất thì tồn tại, ngược với trời đất thì suy vong", có thể coi phong thủy là một cách con người hòa đồng vào tự nhiên để tồn tại và phát triển.

Phong là khí chuyển động, thủy là dòng nước. Khí có thiên khí do trời sinh ra, không thể thay đổi; địa khí do đất sinh ra và nhân khí do con người sinh ra. Cái “sinh khí” ấy vô cùng phức tạp, liên quan đến long mạch, minh đường, huyệt vị, dòng chảy, hướng, vị. Khí được giải thích như nguồn năng lượng; tụ vào thành hình, biến đổi từ dạng này sang dạng khác, muôn hình vạn trạng.

Một điều đã được khoa học khẳng định là môi trường sống tác động rất lớn tới con người. Y học hiện đại có nhiều nghiên cứu cho thấy những yếu tố môi trường như nguồn nước, không khí..., đặc biệt là điện trường, từ trường trái đất ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể gây bệnh dịch, thậm chí di truyền sang đời con cháu. Vậy thì việc xác định những địa điểm thuận lợi để sinh sống là cần thiết. Trong bài toán ấy, các phương pháp khoa học tiên tiến và phong thủy cổ truyền có nhiều nét tương đồng.

Theo thuật phong thủy, trong một ngôi nhà, những bố cục cầu thang, phòng ngủ, bếp ăn hay nhà vệ sinh, nước thải được bố trí vào các “cung tốt, xấu”, hay cửa sổ, cửa ra vào là nơi hấp thụ “khí”, hanh lợi. Những điểm này không hề có sự xung đột với thiết kế kiến trúc hiện đại về sự ưu tiên ánh sáng - không khí - nguồn nước để tạo nên một môi trường trong lành.

Thuật phong thủy dùng đá thạch anh quý hiếm treo trong nhà để “tăng thêm dương khí, chống lại âm khí và tà khí”. Khoa học tự nhiên cũng đã chứng minh, loại đá này phát ra những xung vi ba làm thay đổi từ trường khu vực xung quanh nó.

Những bức tranh sơn thủy, tượng gỗ, tượng đồng, chuông gió và các loại đèn được treo theo quy luật phong thủy, rất hài hòa âm - dương, tạo cảm giác tin cậy. Những bức tường sơn theo phong thủy có màu sắc hài hòa không kém sự trình bày của các kiến trúc sư học theo giáo trình hiện đại. Những đài phun nước được “trấn” đâu đó chắc chắn sẽ tạo ra cảm giác mát mẻ, trong lành.

Thêm nữa, đôi khi những sự sắp đặt nói trên lại tạo ra những niềm tin rất mãnh liệt. Điều này cũng không xung đột với khoa học hiện đại, vì khi có niềm tin, con người sẽ sống vui, sống khỏe, tự tin và dễ đạt được mục đích hơn.

Sắc màu và sức khoẻ

Trong thiết kế nội thất, sử dụng màu sắc hợp lý sẽ giúp chống lại những ảnh hưởng không tốt của nhịp sống công nghiệp. Theo các KTS những màu có ảnh hưởng tích cực cho tinh thần là xanh da trời, xanh lá cây và hồng.

Xanh da trời là biểu hiện của sự thanh bình, tượng trưng cho bầu trời thoáng đãng, giúp cho không gian của căn phòng được mở ra, cả bề rộng lẫn chiều sâu. Màu thiên thanh giúp cho con người tĩnh tâm và tạo ra hệ thống miễn dịch tốt hơn cho cơ thể.

Xanh lá cây có tác dụng giảm huyết áp và tẩy sạch máu, lập lại sự cân bằng cho các rối loạn tình cảm, làm giảm giận dữ. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều màu này sẽ có tác dụng ngược là tạo sự ghen tuông.

Màu hồng thì gây kích thích, tạo hưng phấn, cũng như tăng khả năng cảm thụ và cho phép bạn tập trung tốt hơn. Ngoài ra, màu hồng còn có khả năng tạo ra những khung cảnh rất thích hợp cho sự riêng tư. Một số màu khác cũng tốt cho sức khỏe là chàm, tím, tía, trắng và lục.

Màu chàm có tác dụng tăng tinh thần và hạn chế các kích động cảm xúc.

Màu tím làm giảm nhịp tim, loại bỏ các chất độc, giảm sự sợ hãi và giận dữ.

Riêng màu tía có tác dụng có tác dụng an thần, tạo ra nhu cầu nghỉ ngơi sau các công việc lao động trí óc.

Màu trắng, hiện thân của sự trong trắng có tác dụng đầu tiên là hạn chế ảnh hưởng của các màu khác, làm dịu bớt khung cảnh. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng những màu này vừa phải, nếu không sẽ mang tới một cảm giác lạnh lẽo, cô đơn.

Các màu sáng giúp cho hệ hô hấp hoạt động tốt hơn. Ví dụ như màu vàng được coi là màu của nắng. Vàng là màu mạnh mẽ, khó làm cho ta xao lãng và cải thiện cả sự sáng suốt lẫn lý lẽ. Ở góc độ khác màu vàng là một màu của tình cảm, thường được liên kết với niềm vui, tượng trưng cho mặt trời đem lại sức sống, là màu tốt nhất để nâng cao tinh thần. Màu vàng còn là màu liên kết với quyền lực, điều mà ngày xưa màu này chỉ dành cho vua chúa. Với những đặc tính tích cực như vậy có thể trang trí vàng ở những nơi như Sảnh đón và phòng tiếp tân dùng màu vàng tạo cảm giác ấm và chào đón tạo ra một tâm trạng phấn chấn; Phòng chơi trẻ em giúp kích thích tính sáng tạo; Nhà bếp vì màu vàng kích thích hoạt bát; Phòng học và làm việc khi màu này tạo sự sáng suốt; Các khu vực bán hàng, nhất là các văn phòng giao dịch vì hầu hết mọi người đều cảm thấy lạc quan khi thấy màu vàng.

Cũng nên biết “mặt sau của tấm huy chương” khi điểm tiêu cực nhất của vàng là nó liên kết mạnh với nỗi sợ và còn là biểu tượng của sự cách ly. Thực tế, hiếm thấy màu vàng nơi sân bay cũng như máy bay, là vì nó liên kết với nỗi lo sợ. Nên tránh dùng vàng ở những nơi: Không phải là chọn lựa tốt cho một nhà hàng hoặc phòng ăn. Sắc vàng xanh đặc biệt là phải tránh hẳn; Mặc dầu là màu thường sử dụng trong phòng ngủ, màu vàng nên là vàng lam. Những biến sắc mạnh nên tránh dùng trong phòng ngủ, nhất là với những người mắc bệnh khó ngủ; Không nên dùng ở khu vực cần tạo sự cảm thông xoa dịu khách hàng, như trong những phòng giải quyết khiếu nại khách hàng.

Lựa chọn màu sắc cho ngôi nhà theo phong thủy

Đối với người Việt Nam, ngôi nhà không chỉ đơn thuần là nơi trú ngụ mà đó còn thực sự là tổ ấm đối với mỗi con người, là nơi ta cảm thấy thoải mái, tự tin, giúp ta lấy lại sự bình yên sau những giờ làm việc căng thẳng mệt mỏi ở bên ngoài.

Ngôi nhà cũng là nơi chúng ta tiếp khách, nơi sum họp của cả gia đình, là nơi thể hiện trình độ văn hóa, thẩm mỹ và sở thích của chủ nhân. Màu sắc trang trí trong ngôi nhà luôn có tầm quan trọng đặc biệt đối với những người đang có nhu cầu làm đẹp ngôi nhà của mình.

Màu sắc của từng bộ phận trong và ngoài ngôi nhà phải được phối cách hài hòa tương sinh, tương hợp với môi trường xung quanh, với tâm lý tình cảm, sở thích và trạch mệnh của chủ nhân. Màu sắc có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe và tâm lý con người.

Bên cạnh sự lựa chọn màu sắc thông thường theo kiến trúc, mục đích sử dụng... thì việc lựa chọn màu sắc theo thuật phong thủy cũng rất quan trọng. Thuyết ngũ hành trong thuật phong thủy xếp thế giới thành 5 mệnh Mộc - Hỏa - Thổ - Kim - Thủy và tương ứng là các màu sắc đặc trưng. Màu xanh tượng trưng cho Mộc, màu hồng tượng trưng cho Hỏa, màu vàng tượng trưng cho Thổ, màu Trắng tượng trưng cho Kim và màu tối tượng trưng cho Thủy.

Trong thuật phong thủy, tính tương sinh của ngũ hành là: Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc. Tính tương khắc của ngũ hành là: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc. Hiểu được lý lẽ đó sẽ có thể lựa chọn được đúng màu sắc phù hợp với ngũ hành của mình. Ví dụ: những người thuộc Mộc của ngũ hành, ngoài việc có thể chọn màu Mộc (xanh) để sử dụng còn có thể dùng màu Thủy (xanh đậm) vì Thủy sinh Mộc và kiêng dùng màu Trắng vì Trắng là màu của Kim mà Kim lại khắc Mộc.

Trên đây là một số nghiên cứu chung được tuyển lựa, chọn lọc, phạm vi của bài viết này chỉ mang tính tham khảo về việc ứng dụng phong thủy trong lựa chọn màu sắc cho ngôi nhà.

Tìm nơi hợp lý đặt phòng đọc sách tại nhà

Sắp xếp phòng đọc, phòng làm việc tại nhà, ngoài đòi hỏi phong thủy tốt để có thể thành đạt, còn cần phải sạch sẽ và yên tĩnh. Những điều này sẽ giúp người sử dụng chăm chú vào công việc, không bị phân tâm.

Cửa sổ
Không nên để nó chiếu thẳng vào bàn. Điều đó sẽ khiến mọi người hay nhìn cảnh vật bên ngoài, dễ bị phân tán tư tưởng, không chuyên tâm vào công việc. Đối với những chủ nhân ở độ tuổi thiếu niên, chưa có tính tự chủ cao, việc này đặc biệt nghiêm trọng. Việc sắp xếp phải chú ý tránh để ánh sáng mặt trời phía tây chiếu vào cửa sổ, bởi như thế sẽ khiến mọi người cảm thấy bất an.

Màu sắc
Màu lý tưởng nhất cho phòng đọc là xanh lục. Xét về mặt khoa học, màu này có tác dụng bảo vệ thị lực, thích hợp khi đọc sách, giúp mắt không bị mỏi. Ngoài ra, phòng đọc dùng màu lam cũng thích hợp vì đây là màu sắc của "thủy", mà "thủy" thì có thể sinh "mộc", tạo sinh vượng. Tối kỵ dùng màu thâm trầm trong phòng đọc vì nó dễ gợi cảm giác nặng nề, buồn ngủ.

Bàn đọc không được để đối diện cửa sổ.

Cây cối
Để 2-3 cây xanh và chậu cảnh sẽ tăng thêm sinh khí cho phòng đọc. Cây cối trong phòng nên thiên về họ nhà trúc. Phòng đọc cần kiêng những cây có gai.

Tủ sách
Trong phòng đọc, giá sách nên kê ở hướng dữ. Trường hợp đặt trên bàn đọc thì không nên sử dụng những giá quá cao, quá nặng.

Màu sơn nhà và tâm lý

Các nghiên cứu khoa học từ lâu đã khẳng định có sự tác động không nhỏ của màu sắc lên trạng thái tâm lý và sức khỏe của người sử dụng. Màu sơn cho tường nhà không chỉ góp phần làm đẹp thêm cho ngôi nhà mà còn là nơi để gia chủ thể hiện tâm tư tình cảm, trạng thái tinh thần, sở thích và mong muốn của mình.

Trong giai đoạn xây dựng hoàn thiện, khâu chọn màu sơn cho nội ngoại thất rất quan trọng vì hình hài ngôi nhà có thể không như ý nếu dùng màu không đúng chỗ hoặc bị sai lệch. Trên cơ sở màu yêu thích, có thể chọn màu sơn theo các trạng thái tinh thần:
- Màu giảm stress: những màu có tác dụng giúp thư giãn như xanh nhạt, xanh lá tươi, xanh ghi xám thích hợp nhất đối với phòng ngủ, phòng tắm. Không nên chọn những màu quá chói lọi như màu đỏ.
- Màu tạo cảm giác bình yên: có thể kể đến màu be, màu trắng ngà và những màu nhạt khác có ánh vàng và xanh biển. Những màu này tạo cảm giác yên tĩnh, thanh bình và hài hòa. Có thể điểm thêm một vài màu ấm nóng như cam tươi hoặc nâu để tránh cảm giác đơn điệu.
- Màu giảm sự mệt mỏi trì trệ: màu đỏ thắm, đỏ gạch, màu vàng rơm tươi là lựa chọn phù hợp. Nếu trong trường hợp bạn không có điều kiện hay thời gian quét sơn vôi cho tường nhà bạn thì có treo rèm hay dùng giấy dán tường là những biện pháp nhanh chóng và hữu hiệu.
- Màu tạo thay đổi tích cực: nên chọn những màu của thiên nhiên, của cây cỏ hoa lá, của môi trường hoang dã như xanh lá tươi, vàng cát, xanh biển đậm. Khi phối hợp thêm với chậu cây cảnh hoặc vật trang trí bằng gỗ thì không gian nội thất sẽ tăng thêm vẻ duyên dáng.
Kinh nghiệm của các nhà trang trí nội thất cho thấy:
- Không nên chọn quá 3 màu cho một phòng.
- Trong khi kết hợp màu, nên nhớ rằng những màu thuộc gam nóng thường chế ngự những màu thuộc gam lạnh.
- Nếu muốn làm nổi bật thì không chỉ dùng màu sơn mà còn cần quan tâm đến màu và kích cỡ đồ vật trong căn phòng.

Quan sát mặt trăng