Saturday, November 14, 2009

Các giác quan

1. Khứu Giác

Các nơi kinh doanh thực phẩm biết rất rõ hiệu lực của khứu giác. Chúng ta thật khó lòng cưỡng lại được sức quyến rũ của mùi bánh mì mới ra lò ngào ngạt tỏa ra tới tận cửa siêu thị, lôi kéo, rủ rê chúng ta vào đến tận quầy, thường ở góc xa nhất trong một siêu thị rộng lớn.

banhmy.jpg

Các loài động vật tiết ra mùi riêng để quyến rũ bạn tình và để đánh dấu lãnh thổ của chúng. Nhà của chúng ta cũng có mùi riêng và hầu hết chúng ta, dù có bị bịt mắt cũng sẽ nói đúng nhà người bạn nào mà chúng ta đang bước vào.

Ấn tượng đầu tiên thường để lại những ảnh hưởng lâu dài, vì thế nếu ở trong một căn nhà có mùi khó chịu, cả khách lẫn chủ nhân chắc chắn sẽ khó lòng chuyện trò thoải mái, nhiệt thành.

Có sự khác biệt rất rõ ràng khi so sánh mùi hương tinh tế, nhẹ nhàng của cây oải hương khi chúng ta chạm hờ phải nó khi đi ngang qua khu vườn vào một buổi chiều ấm áp sau cơn mưa với các sản phẩm tạo mùi thơm oải hương nhân tạo đã được bày bán.

Mùi hương tự nhiên tạo cho chúng ta những cảm xúc mà những mùi nhân tạo tương đương không bao giờ làm được, hơn nữa, ưu điểm vượt trội của hương thơm tự nhiên không gây ra các bệnh về đường hô hấp hoặc làm ô nhiễm không khí.

Chẳng có gì sánh nổi với làn gió thơm ngát hương hoa thổi nhẹ vào nhà từ khu vườn, ban-công hay bồn hoa ở cửa sổ bên ngoài.

Nhiều nền văn hóa sử dụng mùi hương để tạo hương thơm cho không khí và ngày nay chúng ta đang bắt đầu tái khám phá những hiểu biết từ lâu của cha ông về lợi ích của một số loại dầu thơm đối với sức khỏe.

2. Vị Giác

Vị giác trong phong thủy khó miêu tả hơn các giác quan khác nhưng nó có tầm quan trọng đối với cuộc sống hạnh phúc của chúng ta không kém những giác quan khác. Người Trung Quốc coi vị giác hòa nhập với Ngũ hành là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống.

thuc-pham.jpg

Nếu muốn thay đổi nhận thức và cách sống của chúng ta, một phần trong tiến trình đó bao gồm cách chúng ta cư xử với cơ thể của mình như thế nào. Nếu muốn khí lưu chảy thông suốt, chúng ta phải sống với quan niệm “vạn vật nhất thể”: mọi khía cạnh trong đời sống của mình đều có sự liên quan chặt chẽ với nhau.

“Người ta thế nào là do ăn uống mà ra cả”, quan điểm này cho rằng chế độ ăn uống của chúng ta ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta. Lối sống cuồng, sống vội mà nhiều người trong chúng ta đang sống nói lên rằng chúng ta thường ăn những gì có thể ăn được mà chẳng cần suy xét đến sự điều độ.

Y thuật hiện đại có thể tìm ra các phương thuốc điều trị hiệu nghiệm nhưng nếu chúng ta tuân thủ các chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh thì chúng ta ít có nguy cơ ngã bệnh.

Bản thân việc kết hợp âm dương và ngũ hành trong nhà bếp là một khoa học. Các bài thuốc bắc cân bằng các vị thuốc bằng cách sử dụng cùng một nguyên lý như phong thủy dùng để cân bằng môi trường. (Nhân vật Chaucer mặt đỏ, một kẻ phong tình dâm đãng trong “Những câu chuyện ở Canterbury” là một kẻ thích ăn hành và tỏi tây, đây là một ví dụ cổ điển của trường hợp thừa Hỏa).

Những hiểu biết về yếu tố cân bằng ngũ hành trong thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn nhanh đang được chúng ta tiêu thụ mỗi ngày sẽ cho phép chúng ta quyết định và chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh trong cuộc sống.

Những phân tích về mặt lợi và hại của loại thực phẩm chế tạo từ công nghệ gien vẫn còn được đem ra mổ xẻ, nhưng chắc chắn chúng ta không cần đến các báo cáo khoa học mới hiểu ra rằng trong cuộc sống, lúc nào có thể được, chúng ta cứ nên dùng các sản vật tự nhiên và đừng dựa vào thực phẩm đóng gói khi chúng ta không biết tác dụng của hóa chất chứa trong đó.

3. Xúc Giác

Xúc giác thường bị coi nhẹ nhưng thực ra giác quan này cũng rất cần thiết không khác gì các giác quan khác và được xem là liên quan đến ước muốn nguyên thủy của chúng ta về việc tiếp xúc với trái đất.

ghe-banh.jpg

Không người mẹ nào quên được lần tiếp xúc đầu tiên với đứa con sơ sinh của mình - da chạm da, đó là một cảm giác cơ bản nhất mà cũng kỳ diệu nhất trong những cảm giác có ở trên thế gian này.

Những cảm nhận phát sinh từ việc chạm vào các vật ở trong nhà ảnh hưởng đến cảm giác dễ chịu và an toàn của chúng ta. Những chiếc lá dặm ngứa của chậu cây cảnh cọ vào mắt cá chân khi chúng ta bước vào nhà có thể làm ảnh hưởng đến cả buổi tối của chúng ta, và cảm giác lạnh giá hay thô ráp dưới bàn chân khi chúng ta bước xuống giường vào buổi sáng cũng có thể tác động đến việc khởi sự của ngày hôm đó.

Những người khiếm thị thường phát triển các giác quan khác và xúc giác trở nên quan trọng hơn cả. Những chú chó dẫn đường trở thành xúc giác và thị giác của họ. Người ta nói rằng những người già cô độc sẽ sống thọ hơn nếu bên cạnh họ có những con vật cưng để âu yếm.

Khi chúng ta buồn phiền, ủ dột, sự tiếp xúc da thịt, như một cái ôm của người thân, đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp ta mau chóng vượt qua. Những người khi còn nhỏ không nhận được sự âu yếm, vuốt ve thường gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ với người khác.

Những chất liệu mà chúng ta sử dụng bên trong nhà có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của chúng ta. Ít người có thể cưỡng lại ý muốn quệt tay vào một cái chén xinh đẹp bằng gỗ, mặc dù có thể họ vừa đi ngang qua một tác phẩm điêu khắc bằng thép mà chẳng buồn để ý tới nó

. Những vị khách viếng thăm những tòa nhà sang trọng thường được yêu cầu không chạm tay vào các loại vải vóc và những đồ đạc vô giá, nhưng mong muốn ấy của chủ nhân khó lòng được đáp ứng, nhất là khi các món đồ trang điểm cho ngôi nhà quá lộng lẫy. Nếu trang phục chúng ta mặc trên người và bàn ghế được bọc bằng những thứ vải mềm mại và đắt tiền, chúng sẽ tác động tích cực đến cảm giác của chúng ta.

Sự cân bằng âm dương trong nhà được thể hiện qua cảm giác tiếp xúc. Những căn phòng mang tính dương như nhà bếp và phòng học thì tràn ngập các vật dụng bằng kim loại mà chúng ta chẳng bao giờ sờ đến chúng trừ khi cần làm việc. Ở những phòng có tính âm (phòng ngủ hoặc những phòng để nghỉ ngơi thư giãn khác), chúng ta mặc những bộ quần áo ấm và rúc người trong giường hoặc ghế bành êm ái.

4. Thị Giác

Những gì chúng ta nhìn thấy đều ảnh hưởng lên chúng ta theo hướng tốt lẫn hướng xấu, hoặc có thể tác động cả ở mặt vô thức nữa vì vậy chúng ta có thể không nhận thức được những gì ngoại cảnh đã chi phối lên hành động của mình nữa.

pha-le.gif

Nếu chúng ta bố trí chung quanh ta toàn những cảnh đẹp, màu sắc tươi sáng, những món ăn ngon và một môi trường trong lành, rất có thể chúng ta sẽ được vui hưởng một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc, vì môi trường xung quanh phản ánh thái độ sống tích cực. Trường hợp ngược lại cũng đúng.

Căn nhà nào hầu như cũng có những khu vực có vấn đề – các góc tối, các phòng có cột hay phòng hình chữ L với những góc cạnh chĩa vào chúng ta – nhưng chúng ta có thể che giấu những bất lợi này bằng các chậu cây hay vật liệu làm dịu các mép. Có lẽ còn nhiều thứ ở bên ngoài ảnh hưởng xấu đến chúng ta và chúng ta muốn loại trừ các ảnh hưởng như vậy.

Chúng ta có thể tìm cách chuyển hướng những điều xấu bằng gương soi và những đồ vật có khả năng phản chiếu khác, hoặc tạo các vật cản như bờ giậu hay bụi cây để giữ các ảnh hưởng xấu ở xa ta. Có sự khác nhau giữa vật cản dương được dựng nên để ngăn tác hại từ ngoài vào và vật cản âm mà đôi khi chúng ta phải dùng tới để giữ năng lượng âm của chúng ta lại, như bờ giậu cao, tường rào và màn kéo.

Chỗ nào có tường, người Trung Quốc xưa đều trổ cửa sổ hay còn gọi là “nguyệt môn” (moon gate) để nhìn ra thế giới bên ngoài và để đón các cơ hội tương lai.

Pha lê

Màu sắc có tiếng nói mạnh mẽ đối với chúng ta trên mặt ý thức lẫn tiềm thức, và có thể tác động lên tâm trạng của chúng ta. Pha lê, nếu được treo ở cửa sổ, có thể kết hợp với ánh sáng tạo ra những hoa văn sinh động và truyền sức sống cho căn phòng u tối. Nơi nào năng lượng bị nghẽn, pha lê có thể giúp thúc đẩy nó đi tiếp.

Pha lê phải được sử dụng cẩn thận. Chúng gồm nhiều mặt cắt nên có thể bẻ gãy ánh sáng thành những mảnh li ti và chúng cũng làm như thế đối với năng lượng. Nếu năng lượng trong khu vực không hoạt động, đừng dùng pha lê để sửa chữa ở chỗ này. Một miếng pha lê nhỏ là đủ cho một căn nhà trung bình, nhưng nếu nhà bạn rộng lớn thì có khi phải dùng miếng lớn hơn.

Kính màu

Kính màu tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn cả pha lê và hiệu quả của nó có thể khiến bạn kinh ngạc. Nhiều nhà ở thành phố có cửa hông trông ra bức tường, và nếu từ cửa sổ nhà hàng xóm, người ta có thể nhìn vào được nhà bạn thì bạn chỉ muốn kéo màn che kín cửa suốt ngày.

Dùng kiếng màu hỗ trợ cho ngũ hành của khu vực thay cho kiếng trong tại các cửa ra vào hoặc cửa sổ sẽ giúp đem lại nguồn năng lượng tuyệt vời cho căn phòng tối tăm và làm biến đổi nó. Loại kính nhuộm màu thể hiện tính trang trí hết sức đặc biệt và phù hợp với hầu hết các căn phòng trong nhà.

5. Thính Giác

Mỗi một hành trong ngũ hành chi phối một cung bậc của âm nhạc và âm thanh. Tất cả chúng ta đều liên kết với một loại âm thanh đặc biệt nào đó và trong y thuật Trung Quốc, giọng nói của chúng ta được phân loại theo ngũ hành và được dùng để chẩn bệnh. Mỗi người trong chúng ta đều ưa thích một số âm thanh nào đó.

chuong-gio.jpg

Nhạc nền nhè nhẹ, tiếng lá sột soạt, tiếng chim hót – tất cả đều có tác dụng chữa bệnh. Khi tiếng ồn cứ đều đều vọng tới – ví dụ, tiếng nước nhỏ giọt, tiếng nhạc ầm ĩ từ hàng xóm, thậm chí tiếng hắt xì đều đặn của ai đó – nó có thể làm ta phát điên lên.
Âm thanh êm ái xuất hiện đúng nơi đúng lúc có thể mang lại tác dụng xoa dịu và làm tỉnh táo.

Tiếng nước sủi bọt có thể tạo ra một bầu không khí thanh bình và làm chúng ta nguôi ngoai. Nếu chúng ta muốn đem sinh khí đến một nơi nào đó, tiếng nhạc xập xình, tiếng trống và tiếng chũm chọe có thể giúp ta thực hiện điều đó. Âm thanh nhè nhẹ đem lại sự thoải mái và tiếng xe chạy ngang nhà hoặc nhịp gõ tích tắc của đồng hồ có thể đem lại sự vững dạ.

Chuông gió

Trong phong thủy, chuông gió là vật cải thiện môi trường rất đặc biệt và bạn sẽ thấy thú vị khi quan sát cách mỗi người phản ứng với những tiếng nhạc khác nhau của chúng. Hãy cẩn thận khi gắn chuông gió nơi hàng rào vì hàng xóm của bạn có thể không thích tiếng nhạc của nó như bạn.

Chuông gió được dùng để làm chậm luồng năng lượng, ví dụ ở chỗ cầu thang hướng ra cửa trước, nhưng chỉ khi mở cửa ra mới làm chúng phát ra âm thanh. Chuông gió cũng được dùng ở những phòng bếp nơi mà khi đứng rửa chén bát hay nấu bếp, bạn phải quay lưng ra cửa, vì tâm trạng bạn sẽ bớt âu lo khi biết rằng chuông sẽ rung lên khi có người bước vào.

Chuông gió nên rỗng ruột để khí luồn vào. Chúng có thể được dùng để tăng cường khu vực Kim của tòa nhà, đặc biệt khi được treo ngoài cửa của ngôi nhà hướng tây. Đừng dùng chúng ở khu vực Mộc (đông hoặc đông nam) vì ở vị trí đó chúng có hại cho năng lượng của khu vực này.

Nước

Tiếng nước sủi bọt nhè nhẹ có thể đem lại cảm giác thư giãn và hiện nay trên thị trường người ta cũng bày bán nhiều vật trang trí nội thất có nước. Từ năm 2004-2023, hướng tây nam là hướng tốt để đặt vật trang trí có nước. Nhà bạn nên có một hồ cá nhưng phải giữ nó sạch sẽ, cho thêm vài loại thảo mộc sống trong nước và tạo thêm các đặc điểm thiên nhiên cho nó. Hồ không được chăm sóc và cá không khỏe mạnh sẽ mang lại ảnh hưởng xấu. Nên chọn số cá trong hồ là chín, một con màu đen để hút khí xấu.
Theo Nghệ thuật bài trí nhà cửa theo khoa học Phương đông


No comments:

Post a Comment