Saturday, November 14, 2009

Màu sắc

1. Mọi người chúng ta phản ứng với màu sắc theo nhiều cách khác nhau và điều này có thể thấy rõ qua cách ăn mặc và trang hoàng nhà cửa. Phản ứng này thuộc về tình cảm và tâm lý, vì vậy mà có lúc, với những màu không được chúng ta ưa thích, chúng có thể làm cho chúng ta phản ứng một cách gay gắt, thô bạo.

nghethuatphoimau_mauhoa.jpg

Trong khu vườn Phong Thủy, màu sắc góp phần tạo cho thảo mộc trồng ở đây hòa hợp với môi trường ngay sát khu vườn và với cảnh vật thiên nhiên xung quanh.

Trong thế giới tự nhiên, màu thường hòa lẫn vào màu nền của nơi chốn đó – màu xanh lá cây trong vùng rừng, màu cát và sỏi ở vùng biển, sắc tím trên các triền núi. Nếu nhìn vào cánh đồng hoa anh túc, chúng ta sẽ thấy chúng dường như tỏa ánh sáng lung linh, mờ ảo trên các cánh hoa, trong khi những bông cúc vạn thọ hoặc hoa xô đỏ (salvias) trồng ngay hàng thẳng lối trong các công viên lại tạo nên cả một khối màu thuần nhất.

Cách thức chúng ta trồng các cây thành từng nhóm là tùy theo sở thích, nhưng rất thường xuyên, sở thích này xuất phát từ cảm hứng nhất thời, được chăng hay chớ. Nếu chúng ta xem xét cách sử dụng màu sắc của một họa sĩ, chúng ta sẽ nhận ra được sự hài hòa giữa các màu sắc khác nhau được dùng trong các bức tranh.

Nếu pha bất kỳ hai trong số ba màu chính – đỏ, xanh, vàng – với nhau, sự kết hợp này sẽ tạo ra các màu phụ tương ứng – cam (đỏ + vàng), tím (đỏ + xanh) hoặc xanh lá cây (vàng + xanh). Sáu màu này sẽ tạo thành bánh xe màu cơ bản đã được Gertrude Jekyll mô phỏng vào việc trồng trọt và đã được các nhà làm vườn trên khắp thế giới áp dụng theo. Ba màu tiếp giáp nhau sẽ là những màu tương hợp và ba màu còn lại là màu tương phản.

Những màu đối xứng nhau qua nửa đường tròn là màu bổ sung. Đa số chúng ta phản ứng tích cực với những màu tương hợp, và hoặc là bổ sung hoặc là tương phản với các màu kia. Khi không thể áp dụng được quy tắc này, các màu chỏi với nhau được phân cách bằng một màu trung tính – đó là các màu trắng, xám hoặc xanh lá cây đậm.

Những năm gần đây người ta có các nghiên cứu việc áp dụng màu sắc vào lĩnh vực trị liệu. Những nhà Phong Thủy học tin rằng có thể xác định được tình trạng sức khỏe hoặc tính khí của một người thông qua sở thích màu sắc của người ấy trong sinh hoạt hằng ngày hoặc có thể thay đổi nhận thức bằng cách thay đổi màu sắc hoặc bằng cách kết hợp các màu theo nhiều cách khác nhau.

Cũng là điều thú vị nếu bạn thử nghiệm và thiết kế khu vườn mình với những gam màu có tính nâng đỡ và gợi hứng sáng tạo. Màu sắc ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta và mong bạn đừng quên khi bắt tay vào việc bố trí khu vườn của mình.

Bản thân màu sắc cũng bị ảnh hưởng bởi lượng ánh sáng chiếu vào chúng. Ở Ma Rốc và các quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải, các màu sáng trông rất tuyệt vời: không ai có thể quay mặt ngó lơ trước cây quỳ thiên trúc màu đỏ tươi trong các sân nhà ở Tây ban Nha. Để tránh ánh nắng chói chang, những khu vườn lớn của tư nhân và các bãi đậu xe ở những đất nước này thường trồng các loại cây có tán lá rộng và xanh rì để lấy bóng mát và tạo cảm giác như đang ở ốc đảo.

2. Triết lý Đạo của phương Đông dạy rằng vạn vật sinh ra từ sự giao biến của âm dương. Âm là khối đen hấp thụ tất cả các màu sắc và dương là khối trắng phản chiếu chúng. Âm dương sinh ra ngũ hành và các biểu tượng màu sắc của chúng, từ đó sinh ra toàn bộ dải phổ màu.

tv_31_7_08_sac1.jpg

Màu sắc là sự rung cảm và mỗi chúng ta phản ứng với màu sắc với nhiều cung bậc khác nhau, cả do ý thức lẫn vô thức.

Tùy theo môi trường, màu sắc ảnh hưởng đến cung cách thoải mái của chúng ta và có thể tác động lên tâm trạng của chúng ta. Màu sắc chúng ta sử dụng cũng ảnh hưởng đến cách đánh giá của người khác đối với chúng ta.

Màu sắc được dùng để chữa các bệnh về thể chất và có thể được dùng để cải thiện tính chất của một không gian một cách tượng trưng và khơi dậy cảm xúc.

Khi dùng màu sắc, chúng ta có thể phối hợp với ánh sáng vì ánh sáng bao gồm tất cả các màu sắc, mỗi màu có một tần số riêng. “Cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”, và mỗi căn phòng trong nhà cũng khác nhau. Chất lượng của ánh sáng tùy thuộc vào hướng nhìn, kích thước và cách trang trí của cửa sổ.

Chất liệu mà chúng ta sử dụng cho sàn nhà, trong trang trí và trong đồ dùng có khả năng phản chiếu và truyền tải ánh sáng hoặc hút giữ nó lại. Chúng ta có thể dùng màu sắc để tạo ra ảo giác – về kích thước (màu sậm hút nhiều ánh sáng hơn màu sáng), về chiều sâu (chất tạo màu tự nhiên hút hay phản chiếu ánh sáng tùy vào thời điểm trong ngày và mùa), và về chuyển động (những mảng màu quanh phòng tạo ra chuyển động và năng lượng ngay vị trí của nó).

Trên thế giới, chất lượng của ánh sáng không nơi nào giống nơi nào. Ở Phi châu, chất tạo màu, vải vóc và các lớp phủ ngoài mặt có màu nâu, nâu sữa và màu nâu đỏ được sử dụng ở những nơi ánh nắng trời sáng rực. Ở nước Anh, nơi được mệnh danh là “xứ sở của sương mù”, người ta phải ở trong nhà nhiều hơn và ánh sáng ở đây cũng bớt gay gắt đi nhiều.

Do vậy, những tông màu nâu quen thuộc với Phi châu thì ở Anh lại biểu thị sự khép kín, và nếu lạm dụng, có thể dẫn đến tình trạng tự cách ly và trầm uất. Tương tự, màu sắc rực rỡ thể hiện trên vải vóc của người da đỏ và gam màu ấm áp trên các bức tranh vùng Địa Trung Hải phải được dùng có ý tứ ở những quốc gia có chất lượng ánh sáng khác. Tuy nhiên, chúng có ích trong việc khuấy động năng lượng và có thể tạo hiệu quả khi áp dụng thích đáng.

Ngũ hành

Năm màu tương ứng với ngũ hành gợi lên tính chất năng lượng của mỗi hành. Chúng ta sử dụng chúng để nhấn mạnh khía cạnh nào trong cuộc sống mà ta chú trọng hơn cả, và Bát quái đồ sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin về các màu sắc liên quan ở mỗi hướng.

Trong thuật phong thủy tính cân bằng và hòa hợp là hai điều cốt yếu. Chúng ta nên trang trí căn nhà của chúng ta theo sở thích của mình nếu không chúng ta chẳng bao giờ cảm thấy thoải mái khi ở đó. Chúng ta nên nhớ đến mục đích của căn phòng và hành tương ứng với phương vị của căn phòng.

Có vậy chúng ta mới có thể đạt đến sự cân bằng và hòa hợp thực sự. Sẽ là một cách áp dụng hời hợt và thô thiển nếu, ví dụ, ta cố bày trong phòng năm chiếc gối đệm với mỗi chiếc là một màu của ngũ hành. Thay vào đó, chỉ cần đặt một cành uất kim hương giả – cuống màu xanh và hoa màu đỏ – vào một bình thủy tinh ở hướng nam của căn phòng trắng toát là ta đã có đủ ngũ hành: Mộc – tượng trưng bởi màu xanh của cuống hoa, Hỏa – màu đỏ của hoa, Kim – màu trắng của căn phòng, Thủy – ánh sáng lung linh khi chiếu qua bình thủy tinh, và Thổ – thể hiện bởi cát làm ra chiếc bình thủy tinh và là yếu tố trung gian sinh ra bông hoa

Đỏ: kích động và nổi trội, màu đỏ làm không gian trông hẹp lại và làm các đồ vật tăng kích thước. Nó hữu dụng trong việc tạo điểm nhấn. Không phù hợp với phòng ăn, phòng ngủ của trẻ, bếp và xưởng. Nó liên quan tới sự ấm áp, phát đạt và khích lệ nhưng cũng biểu thị cơn giận, sự xấu hổ và lòng căm thù.

Vàng: sự khai sáng và trí tuệ, nó kích thích não và hỗ trợ khả năng lĩnh hội. Phẩm chất tích cực của nó là lạc quan, lý trí và kiên quyết; tính tiêu cực là mánh khóe, cường điệu và cứng nhắc. Phù hợp với hành lang và bếp, nhưng lại không hợp với phòng trầm tư, thiền định hay phòng tắm.

Xanh lá: biểu thị sự tăng trưởng, phì nhiêu, và hòa hợp; tạo sự thư thái và hồi sức. Phẩm chất tích cực của nó là sự lạc quan, tự do và cân bằng; tiêu cực là ghen tị và dối trá. Nó tốt cho phòng điều trị, nhà kính và phòng tắm nhưng không thích hợp cho phòng sinh hoạt gia đình, phòng chơi của trẻ và phòng học.

Xanh biển: tính an bình và đấu dịu. Liên quan đến các lãnh vực tâm linh, thiền định, huyền bí và nhẫn nại. Phẩm chất tích cực là sự tín nhiệm, lòng chung thủy và tính kiên định; tính tiêu cực là nghi ngờ và sầu não. Màu này được dùng ở phòng thiền định, phòng ngủ, phòng điều trị và với mục đích làm căn phòng trông rộng hơn. Không dùng ở phòng sinh hoạt chung trong gia đình, phòng ăn và phòng học.

Tím: kích thích sự sống; gây ấn tượng, cao quý và thuộc về tâm linh. Mặt tích cực là sôi nổi, đam mê và là động lực; mặt tiêu cực là tang tóc và áp đặt. Màu tím thích hợp với loại phòng ngủ và phòng trầm tư; không thích hợp với các phòng tắm và bếp.

Hồng: sự thuần khiết của tư tưởng. Tính tích cực của màu này là hạnh phúc và tình yêu lãng mạn; không có tính tiêu cực. Phù hợp cho phòng ngủ; không dùng trong nhà bếp và phòng tắm.

Cam: màu của sự mạnh mẽ và tươi vui. Khuyến khích sự trao đổi thông tin. Tính tích cực là hạnh phúc, sự tập trung và trí tuệ; tiêu cực: nổi loạn, bất phục tòng. Dùng trong phòng sinh hoạt, phòng ăn và hành lang; không dùng trong phòng ngủ hoặc những phòng có diện tích nhỏ.

Nâu: gợi lên sự vững chãi và trọng lượng. Tính tích cực: an toàn, thanh lịch; tiêu cực: cáu bẩn, u buồn và lão hóa. Tốt cho phòng học nhưng không cho phòng ngủ.

Trắng: tượng trưng cho những khởi đầu mới, sự thanh khiết và ngây thơ. Phẩm chất tích cực là sạch sẽ, trong lành; tính tiêu cực là lạnh lẽo, thiếu sinh khí, khô khan. Dùng trong phòng tắm, nhà bếp; không phù hợp với phòng trẻ và phòng ăn.

Đen: là màu của sự bí ẩn và độc lập. Tích cực: lôi cuốn, mạnh mẽ và lôi cuốn; tiêu cực: sự chết, bóng tối, cái ác. Thường được dùng trong phòng ngủ và phòng thiếu niên; không nên dùng trong phòng trẻ, phòng trị liệu, phòng học hay phòng sinh hoạt.
Theo Nghệ thuật bài trí nhà cửa theo khoa học Phương đông

No comments:

Post a Comment